Áo dài, nón lá VN là hình ảnh quá quen, lặp tại các Tuần văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.
(LĐ) -
"Nối những bờ vui..."
Có thể thấy một môtíp chung của tuần lễ văn hóa thường là: Đây là cơ hội quảng bá cho điện ảnh VN, âm nhạc dân tộc VN, áo dài truyền thống VN và hàng thủ công mỹ nghệ VN. Điều này cũng dễ hiểu, bởi đó là những nét đặc sắc nhất của văn hóa VN, những gì của VN mà xứng đáng để "đem chuông đi đấm xứ người".
Và trên thực tế, đúng là những "sản phẩm văn hóa" này đã luôn chinh phục được người xem ở các nước sở tại, gây được ấn tượng tốt về một VN giàu truyền thống văn hóa, một xứ sở rất đáng để đến và khám phá (điều mà du lịch VN vô cùng mong muốn, cũng bởi vậy, một trong những hướng phát triển của du lịch trong thời kỳ khủng hoảng luôn là phải dựa vào những tuần văn hóa ở nước ngoài để quảng bá).
Áo dài VN - với sự hiện diện của những người mẫu - luôn là "màn trình diễn" được yêu thích nhất, ngay cả với những người Việt có mặt trong tuần văn hóa này, những người vốn đã quá quen thuộc với tà áo dài, nhưng khi thấy hình ảnh của VN trên sân khấu, vẫn bồi hồi và xúc động...! Với khách nước ngoài, thì điều này càng ấn tượng hơn. Nhiều du khách nước ngoài tỏ ý muốn có được những bộ trang phục giống như các người mẫu vừa trình diễn và họ đã "hả hê" vì được toại nguyện tại gian hàng giới thiệu trang phục dân tộc VN...
Và rồi, những tiếng đàn bầu, những chiếc áo the, khăn đóng, những chiếc lọ gốm, giỏ mây... tinh xảo qua bàn tay những người thợ VN; cũng luôn là những sứ giả tuyệt vời nhất trong mỗi tuần văn hóa trên những đất nước bạn bè... Chẳng thế mà, tại Tuần lễ văn hóa VN tại Malaysia (từ 7 - 18.6.2009) với các mặt hàng được trưng bày đều là hàng thủ công đã khiến khách tham quan phải trầm trồ tán thưởng và chọn mua nhiều nhất.
Một phần nữa không mấy khi thiếu trong Tuần văn hóa VN đó là sự hiện diện của các món ăn dân tộc của VN như phở, nem rán, bún bò Huế, phở cuốn, bún thang, bánh tráng...
Chút buồn vương lại...
Không thể phủ nhận sức "thuyết phục" của những tuần lễ văn hóa này trong việc kéo gần khoảng cách cả về không gian, thời gian... giữa VN và các nước trên thế giới. Nhưng đôi khi, cũng nên nhìn lại và tìm một cách thức tổ chức cho phong phú, hấp dẫn và đa sắc hơn.
Bởi, nếu là người thường dự các tuần văn hóa VN ở nước ngoài thì thấy nó có một mô hình quá "chặt". Lần nào cũng là áo dài truyền thống, cũng là dàn nhạc dân tộc, cũng là đồ thủ công, mây tre, cũng là tranh cát, tranh Đông Hồ... Hoặc cũng lại là phim VN, mà cũng ít có phim mới (có những bộ phim đã đạt kỷ lục tham gia các tuần văn hóa). Cứ mãi một mô hình như vậy, có thể là mới ở mỗi nước khác nhau, nhưng sẽ không còn là mới ở một đất nước, nhất là khi chúng ta đã tổ chức tuần văn hóa tới mức thường niên (như Nhật Bản).
Làm như vậy, sẽ khiến hiệu quả của hoạt động này giảm khá nhiều, khi mà như những người tới dự tuần văn hóa tâm sự, vẫn chỉ có thế, đến chỉ vì nhớ VN, yêu VN, muốn có cơ hội giao lưu, gần gũi với người Việt; chứ không muốn xem mãi, ngắm mãi, thưởng thức mãi những thứ quen thuộc. Dù có khi ca nhạc là sự góp mặt toàn những tên tuổi trong làng ca sĩ Việt, nhưng lặp lại, cũng đã không thích rồi - một sinh viên VN tại Nhật đã tâm sự như vậy khi dự Tuần văn hóa năm 2008.
Cũng có thể thông cảm với những nhà tổ chức là mỗi lần đi "xứ người", gì thì gì, cũng phải chọn những gì là đặc sắc nhất, đặc trưng nhất của văn hóa Việt, con người Việt. Nhưng giá như những "biến tấu" trong mỗi lần đều được quan tâm hơn, thì sẽ không có cảm giác lặp lại và nhàm chán như vậy với những người trung thành với các tuần văn hóa.
Bên cạnh đó, không phải đối tượng nào cũng hiểu rõ ý nghĩa quảng bá của tuần văn hóa. Nhiều đơn vị dự tuần văn hóa chỉ có một mong muốn là... bán được hàng, mà không quan tâm nhiều tới việc quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình, cũng như hiểu được rằng - mình hiện diện ở đây, không phải là cho cá nhân mình, mà vì "màu cờ sắc áo" của dân tộc. Cũng bởi vậy, đôi khi để lại những cảm giác "chưa vui" khi tuần văn hóa kết thúc.
Hải Anh