Đang mùa cưới, các cặp uyên ương rộn ràng xây tổ ấm, còn với những người thường dậy từ 2- 3 giờ sáng đứng trang điểm cho các cô dâu cho tới 4-5 giờ chiều như Kenny Thái, anh gọi vui là “mùa khủng hoảng”.
Cao điểm mùa cưới 2005, Thái trang điểm 25 cô dâu/ngày. Vậy mà theo nhận xét của nhiều tiệm bán và cho thuê áo cưới, mùa này không đông đám cưới như các năm trước, có những bạn trẻ không muốn tổ chức hôn lễ vào năm Ất Dậu.
Cô dâu nổi giận
1 giờ chiều, sụt sịt gọi suất cơm văn phòng trên phố Trần Nhân Tông, trông Kenny Thái như sắp ốm: “Bây giờ mới là bữa sáng của tôi”. Phòng trang điểm cô dâu không khác gì công xưởng, tất cả cũng vì giờ đẹp: “Có hôm đứng trang điểm một mạch thông tầm, không ăn, chỉ cầm ly nước uống vài phút bởi nếu không sẽ muộn giờ đẹp của cô dâu”.
Vào mùa đi ăn cưới, thỉnh thoảng bắt gặp những đám khách về rồi cô dâu mới đến với lý do tắc đường, vì chờ trang điểm lâu hoặc trang điểm hỏng phải làm lại, chiếc áo cưới hôm thử đã ưng nhưng không đặt tiền cược đến ngày cưới họ cho người khác thuê mất...
Cô dâu phải được mặc áo cưới và trang điểm đúng ý, nếu không họ sẽ nổi giận. Trước và trong ngày cưới có hàng trăm lý do để nổi giận. Có lúc thấy giọng cô vút lên: “Sao mẹ nói nhiều thế?!”.
Bà mẹ chắc buồn lắm, lo cho con con lại mắng mình, nhưng cô dâu đang stress, nhiều chuyện dồn lại làm cô bực. Ví như ngày tổ chức hôn lễ cô phải ma-ra-tông ra tiệm áo cưới từ 5 giờ sáng, chầu chực với mấy chục cô để trang điểm sớm.
Người thợ không biết có phải vội quá mà xoa phấn, kẻ chì mạnh tay: “Em mà không nắm chắc hai tay ghế thì có khi bị anh ta giúi, đập cho ngã bổ chửng”. Đúng là đánh phấn!
Chuyện ấy không mới, nhưng lạ vì bây giờ dịch vụ cưới mọc lên nhan nhản mà sao ngày hạnh phúc cô dâu vẫn cứ phải vội vàng, sấp ngửa như thế?
Một trong những lý do: Không chọn được áo cưới ưng ý dù đã không tiếc tiền. Nhiều người sẵn sàng bỏ 10-15 triệu đồng mua một chiếc áo cưới châu Âu mà sao mặc lên vẫn thấy chẳng sang trọng chút nào.
Trước mùa cưới, không ít chủ tiệm lặn lội sang Trung Quốc “đánh” hàng về, càng chịu khó đến xưởng sản xuất ở vùng sâu vùng xa, nhân công rẻ thì giá càng thấp, mua về bầy lên hộp cửa kính, đèn màu rọi tỏa cứ tha hồ mà rực rỡ.
Có cô đi châu Âu về khoe mua được váy cưới giá 2.000- 3.000 euro nhưng không xem kỹ, vẫn mua nhầm phải hàng Trung Quốc. Nếu thuê, mua được áo cưới Trung Quốc cao cấp cũng tốt, bởi kiểu dáng và chất lượng tốt mà giá thấp hơn áo châu Âu.Chỉ khổ người mắc bệnh “sính” ngoại, cứ tưởng mua, thuê được hàng châu Âu xịn mà thôi.
Nhà tạo mẫu Lan Hương (HN) kể: “Trong những lần mang áo dài đi trình diễn ở châu Âu tôi có tranh thủ khảo giá, một bộ áo cưới xịn khoảng 10.000- 15.000 euro. Ngay một bộ ren cho áo cưới với chân ren rộng, thêu sẵn đã 3.000- 4.000 euro rồi”.
Cô dâu hài lòng
Có người càng đi nhiều tiệm áo cưới càng thấy: “Chỉ thêm hoa mắt, khác nhau ở chút kim tuyến hay đính cườm chứ kiểu dáng thì hầu hết rập khuôn, to xòe như váy thời Trung cổ”.
Tốt nhất là lập kế hoạch trước, tìm hiểu qua bạn bè, giá cả, kiểu dáng, tham khảo mẫu quốc tế trên internet. Xu hướng bây giờ may nhiều hơn chứ không thuê- mặc lại của người khác.
Kiểu áo dài cưới cách điệu bắt đầu được sử dụng thay cho kiểu váy thuần túy phương Tây. Cô dâu dáng người cao, thon thả nhưng vòng ngực nhỏ nên chọn loại áo cưới ở phần ngực trang trí nhiều đường xâu chuỗi, nếp gấp dày; Cô dâu đẫy đà nên tránh áo cưới có chất liệu và màu sáng bóng; cô bắp tay to có nhiều cách để che đi, ví dụ choàng khăn dài trắng qua vai hoặc mặc áo dài tay...
Đặt may ở những tiệm nhỏ, giá chỉ 2- 3 triệu đồng/chiếc, tha hồ chỉnh sửa cho vừa ý lại không phải trả quá cao vì mác ngoại. Một nhà tạo mẫu tâm sự: “Bộ áo cưới thiết kế nội địa giá thuê chỉ 1,5- 2,5 triệu đồng, giá bán khoảng 3- 4 triệu đồng/bộ.
Có những cô đến hỏi áo cưới ngoại, tôi thật thà bảo đây là áo cưới thiết kế và sản xuất trong nước thì họ bỏ đi, để tới những nơi nói là áo ngoại nhưng thực tế toàn gia công trong nước. Bị bạn bè chê họ lại tới đây than thở. Khổ thế!”.
Cô dâu độc đáo
Áo cưới cũng thay đổi theo gu, ví dụ bây giờ loại 3-5 tầng bị giễu là “lồng bu úp” không thịnh nữa, chỉ còn nằm trong vài tiệm nho nhỏ ở vùng quê. Không nhiều tầng, nhưng năm nay thấy áo cưới tràn ngập các kiểu trần vai hoặc hai dây, đính ngọc trai, kết cườm óng ánh 7 sắc và có điểm chung là may phía chân váy nhiều lớp lưới cứng để xoè rộng. Cũng phải có người mặc khác kiểu chứ?
Cô bạn tôi quả quyết: Sẽ mặc quần cưới chứ không váy, một số mẫu quần cưới nước ngoài rất đẹp! Tại sao không? Cô dâu sẽ không bị loè xoè vướng víu mỗi khi đi từng bàn tiệc chào hỏi, hơn nữa thiết kế khéo thì chiếc quần sẽ gợi ý nhiều cho nhà tạo mẫu về một kiểu cách tân độc đáo.
Trước nay vẫn nghĩ chỉ giới nghệ sĩ mới thích và dám mặc những bộ khác người, như váy cưới ngắn trên đầu gối, xẻ sâu chân ngực, hở eo... Nhưng thời nay thì cũng không hẳn...
Hương Chi - sinh viên năm thứ năm khoa Sơn mài (ĐH Mỹ thuật Công nghiệp) thiết kế áo cưới từ năm thứ nhất. Quan điểm của cô: “Áo cưới cho thuê, nhập từ nước ngoài hay may theo catalogue vẫn là theo xu hướng chung, theo định hướng các tiệm, rất khó tạo khác biệt. Em muốn thay đổi lối mòn”.
Những cô dâu mạnh bạo chọn người thiết kế trẻ măng này cho tác phẩm ngày hạnh phúc thường không thích kiểu xoè xoè xinh xinh búp bê. Ở tiệm áo cưới của gia đình cô trên phố Yết Kiêu vẫn bày những mẫu khá đại chúng, còn mẫu của Hương Chi thì để ở xưởng, khách thuê hoặc mua không nhiều, đều khá chọn lọc và có cá tính, chủ yếu là nhà thiết kế, họa sĩ, người lấy chồng nước ngoài...
Áo cưới của Hương Chi không xoè rộng mà dáng ôm như dáng áo dài hoặc xuông rồi vảy nhẹ từ đầu gối xuống, chất liệu len, ren thô của Nhật, dùng lụa làm lớp lót, vạt trước còn hở mũi giày để cô dâu đi lại cho thuận chứ không phải tay nâng ly rượu cưới tay xách váy.
Muốn áo cưới độc đáo, trước hết tinh thần người mặc cũng phải thoáng, còn nhà thiết kế phải dụng công hơn. Chi tỉ mẩn dùng cặp tăm luồn vào vải rút sợi rồi đẩy từng lớp theo ý tưởng, túm chỉ, đính hạt.
Nôm na cô dệt lại vải theo ý tưởng của mình để được chất liệu lạ, lên áo cưới trông khác hẳn. Có những mẫu khá bốc lửa, Chi kể: “Các cô dâu nước ngoài thích chọn mẫu phá cách một chút, sexy hơn...”. Nhưng xu hướng chung là chiếc áo cưới nên giản dị, nhưng tinh tế và không cần thiết phải xa hoa, đắt tiền.