“May áo cưới vừa đẹp vừa giữ được làm kỷ niệm, lại không đắt”, là kinh nghiệm mà rất nhiều bạn trẻ đã và đang chuẩn bị lập gia đình chia sẻ cho nhau. Xu hướng này đang làm thay đổi dần thị trường áo cưới Hà Nội.
“Mốt” may áo cưới
|
Mẫu áo cưới được may sẵn, khách ưng ý chọn kiểu, sau 1 tuần sẽ có chiếc áo vừa vặn với mình.
|
Để chuẩn bị cho đám cưới diễn ra vào tháng tới, ngay từ tháng 6, Thu Hà, ở đường Hoàng Cầu, đã đi tham khảo nhiều hàng áo cưới lớn tại Hà Nội. Sau khi suy tính kỹ, Hà quyết định đặt may bởi như vậy, cô sẽ có chiếc áo cưới vừa người, giá cả phải chăng mà lại giữ được làm kỷ niệm.
“Tiền thuê một chiếc áo mức trung bình ở các hiệu lớn mỗi lần từ 1,5 - 2 triệu, còn may khoảng 2- 3 triệu. Nhưng thực tế, mình phải mặc áo cưới đến 3 lần thì tiền thuê sẽ đắt hơn nhiều so với may”, Hà tâm sự. Không chỉ Thu Hà, trước những lợi thế từ việc đặt may, rất nhiều bạn trẻ đã hoặc đang chuẩn bị lập gia đình cũng lựa chọn xu hướng này. Theo giới sản xuất và kinh doanh áo cưới tại Hà Nội, 2, 3 năm nay, số cô dâu đặt may áo cưới mỗi năm đều tăng từ 20-30%. Hiện tại chưa thực sự bước vào mùa cưới nhưng các hiệu đều cho biết, lượng khách đến tham khảo, đặt may bắt đầu đông dần. “Với giá từ 3- 5 triệu đồng/váy, số lượng đặt may lẻ mỗi mùa phải lên đến hàng trăm chiếc. Cô dâu giờ chịu khó “đầu tư” lắm, riêng dịch vụ cưới, có cô bỏ ra hàng mười mấy triệu chỉ loanh quanh chuyện may váy với chụp album…”, Thuỳ Dương, phụ trách marketing, hiệu Phượng Anh, cho biết. Không dừng lại ở mức tăng 20- 30%, theo chị Phương, chủ hiệu áo cưới Phương Anh, nếu năm ngoái, trung bình một tháng có 30 cô dâu đến đặt may thì năm này con số này vào khoảng 50, nghĩa là tăng gấp rưỡi! “Đời sống càng cao, yêu cầu của cô dâu về váy cưới càng khắt khe, cùng tâm lý muốn giữ làm kỷ niệm sẽ khiến việc may váy cưới trở thành xu hướng nổi trội thời gian tới”, Thu Trang, quản lý hiệu Juliette, một trong bốn cửa hàng thuộc hệ thống áo cưới Quỳnh Anh tại Hà Nội, nhận định.
Kinh doanh áo cưới cao cấp: Siêu lợi nhuận?
|
Hiệu áo cưới hào nhoáng, giá may tối thiểu cũng phải 2 hay 3 triệu đồng/chiếc.
|
Tham khảo giá may từ các hiệu áo cưới tại Hà Nội mới thấy, giá cả khá chênh lệch. Ở những hiệu có tiếng về quy mô, sang trọng và hào nhoáng như Phượng Anh, Quỳnh Anh, Thanh Hằng... thì giá may tại đây thấp nhất cũng từ 2 hay 3 triệu đồng/chiếc. Loại đẹp, cầu kỳ hơn có giá từ 4 - 5 triệu đồng. Đó là chưa tính những loại nhập ngoại mà cửa hàng giới thiệu là từ châu Âu, Nhật, Hàn... thì giá còn lên đến 6-7 triệu, thậm chí cả chục triệu đồng.
Trong khi đó, các hiệu may kém quy mô hơn nhưng cũng được không ít người biết đến như Phương Anh trên đường Nguyễn Thượng Hiền, hiệu Nghĩa Chinh trên đường Trần Quốc Toản... lại có mức giá “mềm” hơn đến gần một nửa, dao động từ 1- 2 triệu đồng/chiếc.
Giải thích điều này, các hiệu lớn cho rằng, giá cao là do chất liệu, phụ kiện và chất lượng may của họ cao hơn. Nghĩa là, nguyên phụ liệu như vải, ren, hạt, kim tuyến... đều được nhập ngoại từ các nước như Mỹ, Ý, Nhật, Bỉ, Hàn..., đồng thời được may theo tiêu chuẩn châu Âu nên giá cũng phải đắt hơn.
Nhưng về mặt nguyên phụ liệu may áo cưới, giới kinh doanh từ cao cấp đến bình dân đều thừa nhận rằng, hàng trong nước không có, tất cả đều phải nhập hết. Một người có kinh nghiệm trên chục năm trong nghề, tiết lộ: “Từ nguyên phụ liệu đến áo cưới nguyên chiếc mà một số hiệu trưng biển là hàng nhập từ châu Âu, Nhật, Hàn, thực chất đều có nguồn gốc từ Trung Quốc!” “Hàng châu Âu đa phần của nhà thiết kế chứ không có những cơ sở sản xuất như của mình. Cho nên, một áo ra, giá thành rất cao, mình không thể nhập hàng mấy nghìn đôla Mỹ về cho cô dâu thuê được. Ngay cả Hàn Quốc cũng không có đâu.” Chị này nêu rõ, nguyên liệu, áo váy Trung Quốc cũng chia làm nhiều cấp độ khác nhau. Ngoại trừ loại thấp cấp, áo cao cấp nguyên chiếc nhập từ Trung Quốc về với giá 2,5-3 triệu đồng, nhiều hiệu “gắn mác” nhập từ Ý, Mỹ, Nhật… cho thuê với giá thấp nhất từ 3 triệu đến 5, 7 triệu đồng, hoặc bán ra ở các mức 500-600 đô, người tiêu dùng không thể biết được!... Mặt khác, giới kinh doanh áo cưới tại các hiệu lớn như Phượng Anh, Quỳnh Anh cũng đều thừa nhận, số lượng “đại gia” trong thị trường này hiện vẫn còn khiêm tốn, mức độ cạnh tranh chưa gắt gao nên người tiêu dùng vẫn phải chịu thiệt.
Mức giá nào cho áo cưới Việt?
|
Áo cưới chất lượng ngoại, giá Việt, tại sao không?
|
Tuy trình độ và công nghệ may áo cưới cao cấp của các hiệu trong nước chưa thể sánh bằng với hàng cùng loại của Trung Quốc nhưng hiện tại, do có nhiều ưu thế về giá cả (nguồn nguyên liệu, giá nhân công) cùng đội ngũ khá lành nghề, một số hiệu trong nước đã nhận được các hợp đồng may áo cưới xuất khẩu ra nước ngoài.
Cụ thể như hiệu Phượng Anh, từ vài năm nay đã làm hàng xuất khẩu sang các thị trường Nhật, Mỹ, Bỉ; hiệu Phương Anh cũng có hợp đồng với Nhật và Úc. Nhưng điều đáng nói là, cùng một nguồn nguyên liệu, dây chuyền sản xuất nhưng áo bán ra cho thị trường trong nước bao giờ cũng đắt hơn so với áo xuất khẩu.
Cho đến nay, chủ một hiệu may khá nổi tiếng tại Hà Nội vẫn còn trăn trở với câu hỏi mà chị đã đặt ra từ lâu cho thị trường áo cưới cao cấp: “Tại sao cùng do mình sản xuất nhưng cô dâu Việt phải mua với giá quá cao, trong khi làm hàng đi nước ngoài thì phải chịu để họ “down” giá xuống?
Tại sao không sản xuất để cô dâu bình thường nhất cũng được mặc chiếc áo chất lượng nước ngoài với giá cả trong nước?”
Hy vọng trong thời gian không xa, tâm huyết và những nỗ lực “vì cô dâu Việt” của người phụ nữ này sẽ tìm được nhiều hơn sự chia sẻ, đồng thuận từ giới sản xuất, kinh doanh áo cưới; để những chiếc áo cưới nội địa này ngày càng đẹp trong mắt các cô dâu Việt!