Trăn trở đồng phục học trò
Nếu như đồng phục học sinh bậc THPT chỉ đơn giản là áo dài trắng thuần khiết, giản dị có lẽ chưa có gì phải luận bàn, nhưng đối với các em học sinh bậc THCS, đồng phục chủ yếu là áo và váy thì câu chuyện không chỉ dừng ở đó... Một năm học mới bắt đầu cũng là lúc các em học sinh phải "chỉn chu" đồng phục của mình, còn các bậc phụ huynh lại thêm những ngày trăn trở xung quanh vấn đề mua sắm áo quần mới cho con.
Áo trắng tới trường.
Nét đẹp đi về đâu?
Học sinh thế kỷ 21 được sống trong điều kiện đủ đầy, không chỉ ăn no mặc ấm, mà còn được ăn ngon mặc đẹp. Vậy mà đến thời điểm này, khi những ngày đầu tiên của năm học mới đã đến vẫn kéo theo biết bao nỗi lo đối với các bậc cha mẹ. Một trong những nỗi lo ấy chính là trang phục các em mặc đến trường hàng ngày, nhất là đồng phục dành cho nữ sinh.
Đi theo xu hướng mới, nữ sinh Việt Nam tại nhiều trường THCS được diện những bộ áo váy đẹp không kém nữ sinh ở các nước cùng châu lục. Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia đi đầu xu hướng này. Phải thừa nhận rằng đồng phục nữ sinh của họ rất đẹp mắt, từ kiểu dáng đến chất liệu đều được lựa chọn kỹ lưỡng. Các nhà thiết kế thời trang tỏ ra rất "ưu ái" cho thể loại trang phục này khi mỗi năm lại đưa ra những bộ sưu tập cải tiến về hình dáng hay chất liệu, góp phần tôn lên vóc dáng tuổi trăng rằm. Đặc biệt, các trang phục này phù hợp với đặc điểm thời tiết mỗi vùng và mỗi mùa. Mùa đông ấm áp, mùa hè mát mẻ, chính điều này mà teen Hàn và Nhật cực kỳ nâng niu bộ đồng phục của mình.
Những bộ phim truyền hình dài tập của Nhật Bản và Hàn Quốc dành cho lứa tuổi teen cũng được phát sóng thường xuyên trên các đài truyền hình tại Việt Nam. Điều này kéo theo xu hướng ăn mặc kiểu "ngôi sao". Không ít nữ sinh Việt tự "design" đồng phục cho mình, có khi là những phụ kiện đáng yêu thêu hoặc gắn lên áo váy, nhưng một số em lại bắt chước một cách thái quá khi cắt ngắn đi đồng phục của mình. Thậm chí có em thích kiểu bó sát nên tự ý "siết" thêm vài đường li trên áo. Hàng ngày, các nữ sinh vẫn qua mặt được giám thị và thầy cô để diện những bộ đồng phục mang tính thời trang đến trường. Thực tế là các em chưa đủ nhận thức để phân tích cuộc sống thực và trên phim ảnh là hai thế giới khác biệt. Những bộ đồng phục của teen nước ngoài không ngắn như trên truyền hình, đó chỉ là chiêu "hút" khán giả.
Xu hướng đồng phục ngắn đang ngày càng trở nên phức tạp và kéo theo nhiều "nhức nhối" trên học đường. Các em học sinh THCS và THPT đang ở độ tuổi tò mò và chưa ý thức được rõ ràng về tâm - sinh lý, nếu cứ để hiện tượng váy quá ngắn đến trường thì có lẽ chất lượng học tập sẽ ngày càng giảm. Bởi đi cùng với váy ngắn là những mốt giày cao gót, rất nhiều màu và xu hướng trang điểm "ấn tượng" cũng được các em nữ sinh thể hiện ngay trên lớp. Những mẫu váy xòe, ngắn đến ngang đùi khiến nữ sinh nào có cặp chân đẹp thì hoặc kiêu căng, hoặc trở thành đối tượng bị quấy rối. Ngược lại, nếu với cặp chân không đẹp, nữ sinh sẽ cảm thấy thiếu tự tin và ghét mặc đồng phục. Còn các nam sinh vì thế mà cũng khó tập trung vào bài vở bởi nhiều lý do: vì bận "bình loạn" chân béo chân gầy, chân dài chân ngắn, vì tò mò, thích thú, cũng có khi là vì... ngại!
Đồng phục nam và nữ học sinh Trường quốc tế SIC (TP. HCM).
Mặc thế nào mới đẹp?
Để trả lời câu hỏi này trước hết những nhà thiết kế và nghiên cứu về đồng phục cho học sinh Việt Nam cần chú ý đến vấn đề phù hợp với văn hóa, điều kiện thời tiết và môi trường trong nước. Đa phần học sinh Việt Nam từ tiểu học đến THPT đều không hứng thú với những bộ đồng phục bởi chất liệu và kiểu dáng chưa phù hợp. Đây không phải là lỗi của các em. Các bậc phụ huynh và nhà trường cũng cần tìm hiểu thực tế và quan tâm hơn đến trang phục hàng ngày của con em mình.
Dường như ở Việt Nam vấn đề này vẫn chưa thực sự được quan tâm. Teen Việt vẫn còn ngơ ngác chưa biết nên mặc gì cho vừa đẹp, bảo đảm sức khỏe mà vẫn năng động. Áo dài đôi khi quá rườm rà, đặc biệt bất tiện với nữ sinh, các loại đồng phục đã biến đổi thì chưa thực sự mang tính thẩm mỹ và chưa tạo được sự thoải mái cho tuổi học trò. Khi thời trang quay trở lại mốt quần ống bó thì đồng phục vẫn giữ nguyên kiểu ống vẩy lòe xòe. Lúc các em thích mốt váy kẻ, áo sơ mi thắt nơ thì đồng phục vẫn đóng bộ theo kiểu "khốt ta bít".
Ngoài vấn đề kiểu dáng thì chất liệu cũng quan trọng không kém. Trang phục cho các em, nhất là bậc tiểu học cần có chất liệu thoáng mát, có độ thấm hút tốt, vì đây là lứa tuổi luôn có sự vận động mạnh mẽ. Trang phục cũng cần hợp với mùa và đặc biệt là vùng miền, vì khí hậu Việt Nam khá phức tạp, miền Bắc nóng ẩm vào mùa hè, giá rét vào mùa đông, miền Nam quanh năm nóng ẩm, miền Trung lại cực kỳ khô nóng vào mùa hè.
Đồng phục nữ Trường Trưng Vương và Hoàng Hoa Thám TP. HCM.
Qua tìm hiểu một số suy nghĩ của phụ huynh về vấn đề đồng phục học sinh, có ý kiến cho rằng: "Hiện tại học sinh đi học ăn mặc đàng hoàng, nghiêm túc hơn vài chục năm trước rất nhiều vì mọi người quan tâm đến giáo dục nhiều hơn, nhưng chưa mang tính đồng bộ. Cùng ở một cấp học, cùng một cấp lớp nhưng mỗi trường tự nghĩ một kiểu đồng phục khác nhau, nơi xanh đậm, nơi xanh nhạt, nơi trắng, nơi viền xanh dương, nơi viền xanh nhạt, nơi chọn màu hồng, màu tím, màu vàng... cho nhiều loại đồng phục khác nhau, nhất là đồng phục thể dục... Có trường phối màu rất đẹp, nhưng có nơi nhìn vào thật chói mắt, gây khó chịu cho người đang mặc và cả người ngắm nó... Vậy tại sao chúng ta không có sự thống nhất về màu sắc và kiểu dáng cho bộ đồng phục học sinh? Điều đó sẽ mang tính đồng bộ, hòa hợp và tiết kiệm cho cha mẹ học sinh rất nhiều".
Mong rằng, các bậc phụ huynh cùng với nhà trường đồng cảm và quan tâm đến vấn đề này nhiều hơn để mỗi mùa khai giảng, con em chúng ta được diện những bộ đồng phục đẹp và phù hợp đón chào năm học mới trong không khí rộn ràng, tươi vui.
Thủy Seta