Hẳn ai sinh ra trên mảnh đất Cố đô đều nhận ra giai điệu mượt mà, đằm thắm trong ca khúc “Tà áo tím” của nhạc sĩ Hoàng Nguyên – những nốt nhạc được thoát ra từ nỗi nhớ và tình yêu tha thiết tà áo dài tím ngát của xứ Huế mộng mơ. Cũng như sự trường tồn của sông Hương, chùa Thiên Mụ và nón bài thơ, áo dài tím Huế trở thành một biểu tượng cho nét đẹp văn hóa đặc trưng của mảnh đất bình yên này.
Mẹ tôi kể rằng, vào khoảng thập niên 30, áo dài tím là đồng phục của nữ sinh Trường Trung học Đồng Khánh. Bà ngoại tôi cũng từng là một thành viên trong đó. Thi thoảng, mẹ tôi lại lấy tấm hình chụp bà ngoại vận áo dài tím, ngắm đi ngắm lại và bảo: “Con giống bà ngoại thiệt!”. Mẹ kể, hồi còn sống, bà tôi cất giữ chiếc áo đồng phục như báu vật. Ông tôi bị hớp hồn ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy bà mặc áo dài tím. Sau khi địch phát hiện gia đình ông bà ngoại của tôi là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng, chúng xới tung căn nhà mà không tìm thấy gì. Chúng điên cuồng đập phá đồ đạc. Cũng may, chiếc áo dài của bà tôi vẫn còn nguyên vẹn.
Đến mẹ tôi, chiếc áo dài tím cũng trở thành một kỷ vật thiêng liêng. Nó song hành cùng mẹ đến trường, e ấp trên thân hình mảnh mai của mẹ trong ngày lễ vu quy. Bố tôi “để ý” đến mẹ cũng từ một lần đơn vị của bố tổ chức lễ kết nghĩa với trường học của mẹ tôi. Anh bộ đội năm ấy đã bị quyến rũ bởi vẻ đẹp dịu dàng e ấp trong tà áo tím đằm thắm của mẹ tôi.
Xưa đến nay, có lẽ ít nơi nào phụ nữ lại mặc áo dài nhiều như ở xứ Huế quê tôi. Áo dài mặc đi học, đi làm, đi chơi và cả trong những dịp lễ Tết. Bây giờ đến Cố đô, người ta dễ bắt gặp hình ảnh các thiếu nữ trong những chiếc áo dài đủ màu sắc trên đường phố. Nhưng sắc tím yêu kiều vẫn luôn là màu chủ đạo trong dòng chảy văn hóa, tạo nên sức hấp dẫn làm đắm say lòng người của Huế mộng mơ.
Thảo Ly