Phóng viên chúng tôi đã có buổi trò chuyện với Thủy Giang – BTV chương trình.
- Xin chị cho biết số đầu tiên của chương trình sẽ lên sóng vào thời gian nào?
Số đầu tiên của “1000 cảm xúc Hà Nội” dự kiến lên sóng vào ngày 15/09/2009, sẽ là một bộ phim phóng sự dài 10 phút với tên gọi “Bonjour (xin chào) – Hà Nội” (những người làm chương trình đã để nguyên văn tên tiếng Pháp).
- Nội dung của phim nói về vấn đề gì?
Nội dung của phim sẽ nói về một người Pháp sinh sống tại Hà Nội và có những cảm nhận về Hà Nội, về mùa thu của Hà Nội, về những con người nơi đây. Cũng xin được nói thêm là loạt phim 1000 cảm xúc Hà Nội là một sự khác biệt hoàn toàn so với những seri truyền hình khác đã từng làm về Hà Nội trước đây (như các chương trình ẩm thực, áo dài, phố cổ…), bởi chương trình được làm theo phong cách của truyền hình thực tế rất tự nhiên ngẫu hứng, sự sắp đặt và diễn xuất được hạn chế tôi đa trong khi những cảm tưởng tâm sự của những người tham gia chương trình được khắc họa và làm nổi bật.
- Thế điểm khác biệt sẽ ở chỗ nào?
Điểm khác biệt ở chỗ chương trình “1000 cảm xúc Hà Nội” hoàn toàn không có MC, có rất ít lời bình luận, chương trình sẽ để nhân vật tự kể chuyện. 1000 cảm xúc Hà Nội sẽ chủ yếu là những hình ảnh đầy cảm xúc về Hà Nội để khán giả xem truyền hình thực tế cảm nhận và suy nghĩ.
- Trong quá trình làm việc, bản thân chị cảm nhận thế nào về chương trình?
Khi nhận được fomat của chương trình, Giang thực sự cảm thấy rất thú vị, vì cũng là một người gắn bó với Hà Nội rất lâu và cảm nhận được những nét đẹp của riêng Hà Nội. Khi làm chương trình, thường có một nhóm cộng tác viên sẽ đi làm những công việc liên hệ với nhân vật trước, rồi chương trình đến quay sự thú vị ở đây là sự ngẫu hứng, không có sự dàn xếp. Ví dụ: Khi mình làm về một nhân vật nào đấy, qua tìm hiểu mình có thể biết một chút gì đó về tính cách của người ta, nhưng khi đi quay mình có thể bất ngờ đến trước và có thể quay được những cảnh rất đời thường, chân thực, sống động. 1000 cảm xúc Hà Nội không cầu kỳ về máy quay, đôi khi không cần phải trau chuốt lắm về hình ảnh, màu sắc để cho khán giả “thực sự” nhập cuộc với cả nhân vật
- Để khán giả thực sự nhập cuộc là như thế nào?
Ví dụ như có một chương trình kể về một bà lão ở Hà Nội, bà là một người con gái Hà Thành chính gốc, bà thường đi xin những bông hoa sen về để làm các vị thuốc, lấy nhị sen để làm thuốc nhuộm màu vàng yến. Những người con gái Hà Nội xưa hay mặc những bộ áo màu vàng yến rất là thanh thoát, nhẹ nhàng (chương trình về bà lão được đặt tên là “màu vàng yến cuối mùa”), hơn 10 phút của phim là hoàn toàn là một sự ngẫu hứng đan xen, hòa quyện nhau. Khán giả sẽ cảm thấy mình như được hóa thân vào nhân vật qua đó cảm nhận những cảm xúc về Hà Nội.
- Theo chị, làm thế nào để có được những thước phim hay về Hà Nội?
Để có được những thước phim hay về Hà Nội, theo Giang đó là sự tận tâm, sự hy sinh đến cùng, làm đến cùng trong công việc, mình phải chắt chiu từng hình ảnh, từng cách kể chuyện để có thể làm nổi bật cảm xúc, cảm nghĩ về Hà Nội mà không nơi nào có được.
- Xin cảm ơn chị về buổi trò chuyện này.