Các nhà sản xuất lớn hiện đã nhận nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu áo cưới từ nay đến cuối năm sang Nhật, Mỹ, Pháp và Australia. Có 3 lý do khiến khách hàng chọn mua áo Việt Nam là giá rẻ, mẫu lạ với nhiều ý tưởng mới mẻ và đặc biệt tay nghề của các thợ thủ công cao.
Trong khi mỗi chiếc áo cưới tại Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc có giá 300-500 USD loại trung bình, và 700-1.000 USD loại cao cấp, thì giá áo nội luôn rẻ hơn từ 100 đến 400 USD. Những loại cao cấp với nguyên phụ liệu sang trọng như kết hạt pha lê, đá, thêu tay và trang trí kết hoa bằng tay ở nước ngoài giá lên đến 2.000-3.000 USD/chiếc thì tại Việt Nam chỉ khoảng 1.000-1.500 USD.
Ba loại áo cưới thương hiệu Việt đang bán ra nước ngoài nhiều là áo cao cấp 700-1.000 USD, áo có đuôi trên 300 USD và loại không đuôi khoảng 200 USD. Ngoài ra, một loại sản phẩm khác được khách hàng nước ngoài rất ưa thích là đầm dạ hội cho trẻ em (thiết kế thu nhỏ của chiếc áo cưới). Công ty Ánh Linh đã làm thử và xuất khẩu được hàng trăm chiếc với giá khoảng 2,2 triệu đồng/chiếc.
Tuy nhiên, theo nhà thiết kế Ánh Linh (một trong những đơn vị đầu tiên của Việt Nam ký hợp đồng với các tập đoàn Itochu, Watabe của Nhật), tiêu chuẩn làm hàng xuất khẩu rất khắt khe. Chẳng hạn như tiêu chuẩn "áo sạch". Các chuyên viên Nhật luôn có mặt tại xưởng giám sát từng công đoạn, ngay từ lúc bắt đầu trải vải ra cắt. Người thợ cũng được yêu cầu luôn ngồi làm việc trên bàn, giữ cho chiếc áo không tiếp xúc với đất. Khi tham quan xưởng, khách hàng luôn đi tất trắng. Sau khi dạo một vòng, lật tất lên kiểm tra nếu thấy đen là họ phiền trách nơi làm việc không sạch. Lúc kiểm hàng họ cũng mặc sơ mi trắng và chỉ cần nhìn trên tay áo vương một chút bụi bẩn là họ trả lại sản phẩm… Ngoài ra, chất lượng nguyên phụ liệu phải đúng y như hàng mẫu đã chào, ngay cả khi đính thiếu một bông hoa nhỏ xíu (trong số cả ngàn bông kết trên một chiếc áo cưới) thì tốt nhất nên thông báo cho họ biết. Đặc biệt, tuyệt đối không được dùng nguyên liệu rẻ tiền khác thay thế.
Một khó khăn của các nhà sản xuất áo cưới hiện nay chính là nguyên phụ liệu. Hầu như tất cả các loại từ hạt, ren, vải… đều phải nhập. Do vậy những nhà sản xuất lớn có ưu thế hơn, vì có thể đặt hàng của thương nhân nước ngoài mỗi chuyến từ vài chục đến vài trăm kg các loại phụ liệu và giữ làm thế độc quyền cho mình. Trong khi các nhà thiết kế sản xuất dạng đơn lẻ có thể phác thảo nên những mẫu rất đẹp, nhưng để tìm đủ nguyên liệu làm thành áo lại rất khó.
Năng lực sản xuất cũng là một hạn chế không nhỏ. Dù là nhà sản xuất áo cưới xuất khẩu lớn của Việt Nam hiện nay như Ánh Linh, Lê Nam (tại TP HCM) hoặc Xính (Hà Nội) cũng chỉ có khả năng cung cấp không quá 200 áo cưới mỗi tháng.
Đa số áo cưới Việt Nam xuất khẩu đều được gắn các nhãn hiệu nước ngoài và đem cho thuê hoặc bán với giá cao hơn gấp nhiều lần. Vì thế, theo các chuyên gia, đầu tư tạo thương hiệu riêng để xuất khẩu ngay từ giai đoạn đầu đòi hỏi nhiều công sức nhưng sẽ tạo điều kiện cho áo cưới Việt Nam sau này có thể đi xa hơn chứ không chỉ dựa mãi vào lợi thế giá rẻ.