Vài năm gần đây, khi chuẩn bị lễ cưới, việc thuê áo cưới chưa hẳn đã là tiết kiệm. Cách nghĩ “thuê rẻ hơn mua” chỉ đúng một phần với việc thuê những chiếc áo cũ hoặc lỗi mốt.
Việc mua hoặc đặt may áo cưới hiện không còn là điều xa xỉ, bởi cô dâu vừa được mặc chiếc áo mới ưng ý, vừa sở hữu làm kỷ niệm mà giá cũng không quá chênh lệch so với những chiếc áo thuê dạng “nước đầu”.
Chọn giá hay chọn thương hiệu?
Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, một số studio, shop áo cưới tại TPHCM đã ""choàng"" thêm dịch vụ may áo cuới thay vì chỉ bán sẵn hay cho thuê như trước, khách hàng cũng chuộng mua áo cưới của những thương hiệu đã có tiếng như Thái Tài, Net-a, Lê Nam, Ánh Linh, Vivian, Simmi...
Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng bán áo cưới do chính tiệm may và thiết kế. Cũng do thương hiệu trên áo không bảo đảm áo cưới được may tại tiệm, nên nơi nhận đặt may chỉ bảo đảm chất lượng của áo trong khi giá cả tất nhiên là ""vượt trội"" vì có thương hiệu.
Trong khi tiệm may Chinh trên đường Vườn Chuối, Q.3 (chuyên nhận đặt may soirée sỉ và lẻ) chào giá áo cưới từ l,5 triệu đồng- 3 triệu đồng/áo, thì những nơi khác như Sơn"s Collection, Thái Tài..., giá phải từ 3 triệu đồng/áo trở lên.
Đối với áo dài cuới do cách may đơn giản hơn nhiều so với soirée, nên hầu hết các tiệm có mua bán hay cho thuê đều nhận may luôn tại ""showroom"" (nơi trưng bày). Đặt may áo dài cưới Liên Hương, tiền công may luôn vải thấp nhất cũng l,2 triệu đồng/bộ (không có phụ kiện) - 4,5 triệu đồng (có khăn đống, áo choàng). Còn tại những nhà may chưa nổi tiếng khác, giá chỉ từ l triệu-2 triệu đồng có luôn áo choàng, khăn đống. Tại những tiệm may áo dài cưới bình dân (thường may trên nền vải Thái Tuấn), giá cả bộ và khăn đống chỉ từ 300.000đ.
Mẫu áo nào tiện dụng?
Chị Lê Kiều Chinh, chủ tiệm may áo cưới Chinh trên đường Vườn Chuối, cho biết mẫu áo cưới Ý là mẫu được chị sản xuất nhiều nhất bởi sự trang nhã, kiểu dáng đơn giản, lâu đề mốt, khá phù hợp với các cô dâu Việt. Phần lớn số áo cưới trong catalogue Ý đều có kiểu ngang ngực hoặc hai dây, đuôi rộng, xòe nhiều, tay dài, ngắn hoặc không tay phụ thuộc vào thời tiết mỗi mùa.
Về Việt Nam, áo cưới ý có thay đổi đôi chút cho phù hợp: có tay ngắn hoặc hở vai, đuôi ngắn hoặc không đuôi, thùng xòe ít, kiểu cổ ngang ngực hoặc hai dây nhưng kín đáo hơn. Ngoài ra, những catalogue áo cưới của Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Hồng Kông... vẫn có sức hút với các bạn trẻ bởi tính trẻ trung, đơn giản, không quá nhiều chi tiết rườm rà.
Không chỉ may theo catalogue, nhiều khách hàng còn có thể may áo theo ý thích của mình, kết hợp với sự tư vấn của nhà thiết kế.
Một xu hướng mới là có những khách hàng thích may áo cưới kiểu ""đầm dạ hội"" – cũng hai dây hoặc vai trần, cổ hở ngang ngực, nhưng ngắn hơn áo cưới, có – lớp lót và thùng suôn - bởi đây cũng là một cách tiết kiệm vì giá rẻ hơn (từ 500.000 đồng/áo), lại có thể sử dụng thêm nhiều lần khác (sau lễ cưới). Từ áo đầm dạ hội muốn biến thành áo cưới chỉ cần kết thêm cườm, hạt pha lê, hoa vải... lên cổ áo hoặc thùng áo, gắn thêm đuôi (rời), kết hợp thêm những ""phụ kiện” khác như bao tay, voan choàng tóc, chuỗi hạt đeo cổ... là ""đủ bộ"" đồ cưới!